Từ lâu nay, làng Tân Quy Ðông của thị xã Sa Ðéc đã là nơi nổi tiếng chuyên sản xuất hoa kiểng cung cấp cho nhiều nơi trong nước và ngoài nước. Ðến nay, nghề trồng hoa không chỉ tập trung ở Tân Quy Ðông, mà đã lan rộng đến các xã, phường lân cận, hình thành nên vùng trồng hoa Sa Ðéc. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 113 ngày 14-10-2013 thành lập thành phố Sa Ðéc, trực thuộc tỉnh Ðồng Tháp, chính quyền thành phố đã xây dựng đề án phát triển Sa Ðéc trở thành “thành phố hoa” trong tương lai.
Làng hoa trăm năm tuổi
Theo tài liệu lịch sử địa phương, Sa Ðéc được hình thành cách đây hơn 250 năm. Năm 1867, chính quyền thuộc địa Pháp đã thành lập hạt Sa Ðéc. Từ đây, theo bước chân của người Pháp, nhiều giống hoa đã được du nhập về và dần dần biến Sa Ðéc trở thành vườn hoa của xứ Nam Kỳ (Le Jardin de la Conchinchine). Với lịch sử lâu đời như vậy, cho nên làng hoa Sa Ðéc đã hình thành chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị khá hoàn thiện, trở thành một trong ba vùng sản xuất hoa kiểng nổi tiếng với nhiều chủng loại hoa, cây kiểng cổ quý hiếm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), đó là: hồng Sa Ðéc, tắc Cái Mơn và mai vàng Cần Thơ.
Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP Sa Ðéc Phan Văn Bình cho biết, nhắc đến làng hoa Sa Ðéc, không thể không nhắc đến nghệ nhân Tư Tôn, người đã sáng lập nên “Vườn Hồng” gắn với tên ông vang bóng một thời, là một trong những người tiếp nối các thế hệ làm nghề trồng hoa kiểng, góp phần làm nên sự nổi tiếng của làng hoa Tân Quy Ðông, Sa Ðéc. Trước đây, làng hoa Sa Ðéc chỉ gói gọn trong vườn Hồng của ông Tư Tôn và vài hộ trồng hoa chung quanh với diện tích chỉ vài nghìn mét vuông và đôi ba giống hoa hồng.
Ðến khoảng năm 1958, từ Pháp đã du nhập về Sa Ðéc hơn 100 giống hoa hồng, và ông Tư Tôn đã dốc sức chăm sóc, chọn lọc và giữ gìn được hơn 50 giống thích nghi với môi trường, khí hậu địa phương. Những giống hoa hồng do ông Tư Tôn chăm sóc cho hoa đẹp không thua kém gì hoa trồng ở các nước phương Tây. Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975), nhất là từ sau khi có chính sách đổi mới, số hộ trồng hoa kiểng cứ tăng dần hằng năm, đến nay đã lên đến 355 hộ, diện tích sản xuất 1.900 ha. Làng hoa Sa Ðéc hiện có hơn 2.000 chủng loại hoa kiểng, cung cấp sản phẩm cho nhiều vùng trong cả nước và xuất bán sang Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Ðến năm 2013, giá trị sản xuất đạt khoảng 170 tỷ đồng, chiếm hơn 35% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Theo Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Phan Văn Bình, không những nổi tiếng về hoa, làng hoa Sa Ðéc còn là xứ sở của nhiều loại cây kiểng quý hiếm, có tuổi thọ hàng trăm năm. Mỗi thế cây, dáng đứng đều mang dấu ấn nền văn hóa và triết học phương Ðông. Có những loại cây tuy rất bình dị, gần gũi với đời sống hằng ngày như: khế, cau, tùng, bách, mai, sứ… nhưng qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân lành nghề đã trở thành những tác phẩm đặc sắc, mang đậm tính nghệ thuật. Hoa kiểng ở đây không chỉ cho mầu sắc, hương thơm, mà còn dùng để trang trí nội thất, tạo cảnh quan cho công viên, cơ quan, công sở, công trình văn hóa, nhà ở…, góp phần làm cho làng hoa kiểng Sa Ðéc trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn.
Sa Ðéc khoác áo mới
Chủ tịch UBND thành phố Sa Ðéc Phan Văn Nhiều cho biết, năm 2010 làng hoa kiểng Sa Ðéc được công nhận là làng nghề và đang xây dựng thương hiệu hoa kiểng Sa Ðéc. Với hoạt động của Hội Sinh vật cảnh và sự tìm tòi sáng tạo của các nghệ nhân, làng hoa kiểng đã dần chiếm được vị thế quan trọng trong vùng ÐBSCL, nhiều địa phương trong nước và quốc tế biết đến.
Theo Chủ tịch Phan Văn Nhiều, đồng hành cùng sự phát triển chung của đô thị, thời gian qua, hoạt động sản xuất hoa kiểng của Sa Ðéc không ngừng tăng trưởng và tạo được những lợi thế cạnh tranh lớn về điều kiện tự nhiên và phát triển kinh tế – xã hội, khơi dậy được tiềm năng của con người, khai thác lợi thế về đất, khoa học kỹ thuật, đã thúc đẩy phát triển hoa kiểng Sa Ðéc tăng nhanh về quy mô, trình độ và giá trị sản xuất. Qua đó, góp phần tăng tỷ trọng ngành nông nghiệp thành phố, tạo nhiều việc làm cho nông dân trong điều kiện đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do phát triển đô thị; đồng thời làm đẹp cảnh quan và góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Ðể phát huy thế mạnh của làng hoa, UBND thành phố Sa Ðéc đã tập trung đầu tư các loại cây trang trí công trình, các loại hoa kiểng truyền thống có thế mạnh của địa phương, nhất là phục dựng giống hoa hồng truyền thống và bổ sung các giống hoa, giống cây kiểng mới; từng bước phát triển hoa cắt cành, cây trang trí nội thất và cây trang trí công trình, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong nước và xuất khẩu tiểu ngạch sang các nước; đưa giá trị sản xuất năm sau luôn tăng cao hơn so với năm trước. Từ nguồn ngân sách của tỉnh và địa phương, thành phố đã xây dựng các mô hình: sản xuất hoa cát tường, cúc cấy mô, lan cắt cành… Ðồng thời, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và nhân rộng mô hình từ các đề tài nghiên cứu của Sở Khoa học và Công nghệ Ðồng Tháp phối hợp Trường đại học Cần Thơ thực hiện, góp phần mở rộng liên kết sản xuất hoa kiểng trên địa bàn. Ðể cung cấp ngày càng nhiều giống hoa kiểng chất lượng cao, trại giống Tân Khánh Ðông được trang bị một nhà lưới, một phòng cấy mô và các thiết bị phục vụ sản xuất giống hoa kiểng, bình quân mỗi năm sản xuất khoảng 20 nghìn cây hoa kiểng giống các loại.
Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Nhiều cho biết thêm, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, hằng năm thành phố đã đầu tư các điểm trình diễn giống hoa kiểng mới, kỹ thuật sản xuất. Qua quá trình thực hiện, bước đầu đã tổ chức hướng dẫn cho người dân cách trưng bày sản phẩm, mua bán hoa kiểng; chỉnh trang cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Ðầu tư xây dựng bờ kè và mở rộng đường cùng bến cảng xuất hoa đi các nơi; đầu tư nhiều công trình hạ tầng giao thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích, nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh hoa kiểng; từng bước chỉnh trang, tạo diện mạo đô thị để thể hiện sự đặc trưng của làng hoa kiểng Sa Ðéc. Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả sản xuất, thành phố đã tập trung củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, sản xuất của các hợp tác xã (HTX), các tổ hợp tác hoa kiểng như: đầu tư các mô hình sản xuất hoa kiểng mới, áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất mới. Ðến nay, toàn thành phố có sáu tổ hợp tác và một HTX chuyên sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực hoa kiểng. UBND thành phố cũng đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, bước đầu xây dựng được một số dịch vụ và cơ sở lưu trú du lịch và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất hoa kiểng.
Hướng đến một thành phố hoa
Năm 2013 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng đối với tỉnh Ðồng Tháp: Ngày 14-10, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 113 về việc thành lập TP Sa Ðéc, trực thuộc tỉnh Ðồng Tháp trên cơ sở toàn bộ 5.981 ha diện tích tự nhiên, 152.237 nhân khẩu và chín đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Sa Ðéc. Tiếp đó là hai sự kiện: khởi công công trình cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh. Khi hai cây cầu này hoàn thành đưa vào sử dụng, vị trí giao thương của tỉnh Ðồng Tháp chắc chắn sẽ có sự thay đổi lớn với nhiều thuận lợi với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước. Cầu Cao Lãnh hoàn thành vào năm 2017, sẽ tạo điều kiện cho tuyến tỉnh lộ DT 848 dài hơn 20 cây số nối liền hai TP Sa Ðéc và TP Cao Lãnh của Ðồng Tháp, trở thành con đường hoa thu hút ngày càng nhiều khách du lịch; đưa Sa Ðéc trở thành thành phố hoa khu vực ÐBSCL gắn kết với du lịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng cho biết, thời gian qua, tỉnh Ðồng Tháp đã quan tâm đầu tư vào sản xuất hoa kiểng, xem đây là thế mạnh của ngành nông nghiệp sau sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái và hoa màu. Ngành nông nghiệp đã xây dựng Ðề án phát triển hoa, cây kiểng, cá cảnh tỉnh Ðồng Tháp giai đoạn 2009 – 2020. Trên cơ sở đó, UBND thành phố Sa đéc đã xây dựng đề án quy hoạch mở rộng diện tích sản xuất hoa kiểng, giai đoạn 2009 – 2020; xây dựng kế hoạch phát triển hoa kiểng giai đoạn 2010 – 2015, làm nền tảng để định hướng phát triển toàn diện cho sản xuất hoa kiểng ở địa phương. Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học như: Cải thiện sản xuất một số loài hoa truyền thống, triển vọng ở Sa Ðéc – Ðồng Tháp; nghiên cứu các giải pháp phòng trị một số sâu bệnh hại trên một số loài hoa chính ở Tân Quy Ðông – Sa Ðéc và hiện đang triển khai đề tài “Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị ngành hàng hoa và cây kiểng tỉnh Ðồng Tháp”. UBND tỉnh Ðồng Tháp đã tổ chức Hội thảo “Phát triển làng hoa Sa Ðéc gắn với định hướng xây dựng thành phố hoa Sa Ðéc”, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ TP Hồ Chí Minh và Trường đại học Cần Thơ nhằm tìm giải pháp, tập trung nguồn lực cho công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng du lịch, đưa Sa Ðéc trở thành thành phố hoa vào năm 2015.
Chủ tịch UBND thành phố Sa Ðéc Phan Văn Nhiều cho biết: Hiện nay, việc sản xuất hoa kiểng ở Sa Ðéc vẫn còn nhiều hạn chế, còn ở phạm vi gia đình, diện tích đất nhỏ hẹp, manh mún, cho nên chưa thực hiện được sản xuất với quy mô lớn; chưa xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hợp tác để sản xuất tập trung, phân công trồng theo từng chủng loại, số lượng sản phẩm lớn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh. Hạn chế thứ hai là nhà vườn trồng hoa kiểng chưa tìm được đầu ra ổn định, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tạo lỗ hổng cho thương lái, tư nhân làm dịch vụ hoa kiểng chèn ép giá. Các hộ trồng hoa kiểng hiện đang thiếu vốn dài hạn để mở rộng diện tích, đầu tư công nghệ mới vào sản xuất, nhất là đầu tư công nghệ sinh học trong việc lai tạo, nhân giống để nâng cao chất lượng sản phẩm. Phương thức sản xuất còn lạc hậu, mang nặng tính thủ công; thiết bị và công nghệ phục vụ sản xuất phần lớn lỗi thời, người sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm lâu đời, công nghệ lai tạo nhân giống mới chưa đáp ứng yêu cầu; công nghệ bảo quản đóng gói còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng tuy có đầu tư nâng cấp, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển…
Từ những hạn chế nêu trên, qua các ý kiến đóng góp từ các chuyên gia tại Hội thảo “Phát triển làng hoa Sa Ðéc gắn với định hướng xây dựng thành phố hoa Sa Ðéc” vừa qua, thành phố đã xác định mục tiêu lâu dài cho sự phát triển của làng hoa để hình thành một nền nông nghiệp đô thị của địa phương với hoa kiểng là mũi đột phá. Trước mắt, thành phố sẽ xây dựng một mô hình sản xuất hoa kiểng kết hợp với tham quan du lịch ở phường Tân Quy Ðông để làm điểm nhấn trong việc phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn, chất lượng cao và quảng bá hình ảnh của làng hoa kiểng Sa Ðéc, nhằm định hình, xây dựng làng hoa kiểng Sa Ðéc thành làng hoa kiểng phát triển mạnh ở ÐBSCL, định hướng xây dựng TP Sa Ðéc trở thành “Thành phố hoa” trong tương lai.