Hủ tiếu sa đéc món ăn được làm từ bột gạo Sa Đéc – từ lâu đã là đặc sản nổi tiếng, đến nay vẫn luôn được mọi nguời ưa chuộng với sợi hủ tiếu có độ dai vừa phải, kết hợp với nước lèo thơm lừng, ngọt đậm đà.
Hãy đến và thưởng thức để biết hương vị đậm đà nổi tiếng của hủ tiếu sa đéc
Món hủ tiếu khô được ông Văn Dĩ mở bán sớm nhất ở Sa Đéc (vào những năm 1965-1966). Chị Nguyễn Thị Tường Vi “hậu duệ” đời thứ ba của ông Văn Dĩ, mở quán hủ tíu tại dốc cầu Cái Xếp, Quốc lộ 80, ấp An Thạnh, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp cho biết, ông ngoại chị (ông Văn Dĩ) khi còn sống thường kể, lúc 14 tuổi ông làm công cho một quán hủ tiếu người Trung quốc ở Campuchia, học được cách chế biến hủ tiếu khô sau đó về Sa Đéc mở quán bán (số 102, đường Trần Phú, hiện giờ nơi đây không còn bán hủ tiếu). Với món nước sốt độc đáo học “lóm” được khi làm công, hủ tiếu khô của ông làm cho người ăn nhớ mãi cho đến tận bây giờ.
Chị Tường Vi nói, thỉnh thoảng người nước ngoài, tỉnh ngoài về thăm quê, ghé qua ăn, nói rằng, ăn để tìm lại hương vị của hủ tiếu trước đây.
Theo những người lớn tuổi, trước năm 1975, Sa Đéc có nhiều quán hủ tiếu nổi tiếng như: quán Chú Cá, Chí Thành, Chí Ký, Lãnh Nam, Văn Dĩ… và bình dân là quán Bà Sẩm. Hiện giờ, phần lớn các chủ quán này do cao tuổi đã “về hưu”, nhưng vẫn truyền lại hương vị tinh túy hủ tiếu của họ cho lớp “hậu duệ” sau này. Thêm vào đó, thời gian qua, ở Sa Đéc có nhiều quán hủ tiếu mới mọc lên, cao cấp có, bình dân có. Nhưng dù ăn hủ tiếu nước hay hủ tiếu khô, cao cấp với giá 30.000 đồng – 40.000 đồng/tô hay bình dân như hủ tiếu Bà Sẩm (đường Trần Hưng Đạo) giá 6.000 đồng/tô thì thực khách vẫn được thưởng thức hương vị đặc trưng của hủ tíu Sa Đéc.
Jimmy Nguyen